Đại học Văn hóa – Nghệ thuật Quân đội (ZNH)

Tên trường: Đại học Văn hóa – Nghệ thuật Quân đội

Tên tiếng Anh: Military University of Culture and Arts

Mã trường: ZNH

Hệ đào tạo: Đại học – Liên thông -Sau Đại Học (thạc sĩ) -quốc tế

Khung chương trình Các ngành đào tạo trình độ cao đẳng

Khung chương trình Các nghề đào tạo hệ cao đẳng nghề

Danh sách các nhóm ngành đào tạo trình độ đại học

Danh sách các ngành đào tạo cấp IV trình độ Đại học Công An Quân Đội

Danh mục giáo dục Công An, Quân đội đào tạo cấp IV trình độ Thạc sĩ, Tiến sĩ

Loại trường: Quân sự

Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội: 101 Nguyễn Chí Thanh – Phường Láng Hạ – Đống Đa – Hà Nội

Tel: 0462663068 – 069522450 – Fax: 0462663068

Website: http://vnq.edu.vn/

Email: vnq.edu@gmail.com  Facebook: https://www.facebook.com/ZNH.NTQD/

Cơ sở 2(TP. Hồ Chí Minh): 140 Đường Cộng Hòa – Phường 4, Quận Tân Bình – TP Hồ Chí Minh

Tel: 069.667350

Nhà hát Quân đội khu vực phía Nam: 140 Đường Cộng Hòa – Phường 4, Quận Tân Bình – TP Hồ Chí Minh

Tel: 08.62996831

Website: http://www.nhahatquandoiphianam.vnq.edu.vn

Email: nhahatquandoiphianam@gmail.com

ĐẠI HỌC VĂN HÓA NGHỆ THUẬT QUÂN ĐỘI trực thuộc Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn; nghiên cứu khoa học về lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật, văn thư, lưu trữ, báo chí, truyền thông, và thực hành biểu diễn nghệ thuật.

Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, diễn viên, nhân viên hoạt động trên các lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật, báo chí, truyền thông, văn thư lưu trữ có trình độ Sau đại học, Đại học, Cao đẳng và Trung cấp; nghiên cứu khoa học về lĩnh vực văn hoá nghệ thuật, báo chí phục vụ giáo dục – đào tạo và công tác tư tưởng – văn hóa trong Quân đội nhân dân Việt Nam; đào tạo nghệ thuật dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa; đào tạo cán bộ, diễn viên văn hóa nghệ thuật cho Quân đội nhân dân lào, Quân đội Hoàng gia Campuchia; tham gia biểu diễn nghệ thuật phục vụ bộ đội và nhân dân. Mục tiêu đào tạo: Đào tạo những gì quân đội và xã hội cần, ưu tiên hướng về đơn vị cơ sở, thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng, chú trọng kết hợp truyền thống với hiện đại trong giáo dục – đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Ngày 23.9.1955, Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị quyết định tổ chức các lớp tập huấn đào tạo về nghệ thuật cho các hạt nhân năng khiếu nghệ thuật trong quân đội; lớp nhạc được tổ chức đầu tiên, do đồng chí Trần Du phụ trách. Từ năm 1955, nhiều lớp bồi dưỡng, đào tạo về nghệ thuật như: Thanh nhạc, múa, chỉ huy dàn nhạc, sáng tác, biên đạo múa… đã được tổ chức, có sự giúp đỡ giảng dạy của các chuyên gia nước ngoài, như: Triều Tiên; Trung Quốc, Liên Xô (nay là Liên Bang Nga). Thời kỳ này, đã đào tạo, bồi dưỡng được đội ngũ đông đảo cán bộ, diễn viên chuyên ngành nghệ thuật cho các đoàn văn công quân đội và tham gia biểu diễn nghệ thuật phục vụ bộ đội và nhân dân.

Đầu năm 1967, Cục Tuyên huấn quyết định tổ chức Ban Phụ trách công tác đào tạo, bồi dưỡng văn hóa nghệ thuật, hình thành cơ cấu tổ chức của một nhà trường nghệ thuật, gồm: Ban Phụ trách chung; các bộ môn: Nhạc cụ, Hát, Múa, Kịch, Lý thuyết âm nhạc; các bộ phận bảo đảm: Giáo vụ, Hậu cần. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có hàng trăm lượt cán bộ, giáo viên, học viên tham gia xây dựng phong trào văn hóa, văn nghệ, biểu diễn nghệ thuật phục vụ đồng bào, chiến sĩ ở khắp các chiến trường, địa phương trong cả nước, đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần của bộ đội và nhân dân, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, có những đồng chí đã hy sinh anh dũng, như: Liệt sĩ Phạm Đặng Thị Toàn, học viên lớp Kịch nói, Khóa 1.

Năm 1982, tổ chức biên chế được kiện toàn và phát triển, gồm: Ban Giám hiệu; các Ban và bộ phận bảo đảm: Giáo vụ, Hậu cần – Hành chính, Quản lý tài liệu, quản lý học viên; các Khoa chuyên môn, gồm: Nhạc cụ, Thanh nhạc, Múa, Lý luận – Sáng tác – Chỉ huy, Văn hóa, Chính trị.

Ngày 24.4.1984, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 117/QĐ-QP thành lập Trường Trung cấp Nghệ thuật Quân đội, trực thuộc Tổng cục Chính trị. Tổ chức biên chế, gồm: Ban Giám hiệu; các Khoa; các Ban bảo đảm và bộ phận quản lí; Hiệu trưởng là đồng chí Nguyễn Văn Quế. Năm 1992, Trường điều chỉnh tổ chức biên chế, gồm: Ban Giám hiệu; Phòng Đào tạo; Ban Hậu cần – Hành chính; các Khoa (môn học chung, chuyên ngành nghệ thuật chuyên nghiệp, văn hóa cơ sở).

Ngày 8.8.1995, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 668/QĐ-QP hợp nhất Trường Trung cấp Quân nhạc Quân khu Thủ đô với Trường Trung cấp Nghệ thuật Quân đội thành Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, trực thuộc Tổng cục Chính trị. Năm 1995, Thủ tướng Chính phủ công nhận Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Quân đội; từ đây Nhà trường nằm trong hệ thống các trường của Nhà nước. Hiệu trưởng là đồng chí Nguyễn An Thuyên. Trường có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, diễn viên, nhân viên trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật có trình độ Cao đẳng, Trung cấp; nghiên cứu khoa học về lĩnh vực văn hóa nghệ thuật và sưu tầm các loại hình nghệ thuật dân tộc truyền thống. Tổ chức biên chế của Trường, gồm: Ban Giám hiệu; các phòng (Chính trị, Đào tạo, Quản lý khoa học công nghệ và môi trường, Hậu cần – hành chính); Ban Tài chính; các khoa (Âm nhạc, Thanh nhạc, Múa, Nghệ thuật dân tộc và miền núi, Văn hóa cơ sở, Quân nhạc, Đào tạo dân sự, Khoa học Xã hội và nhân văn, Quân sự – thể chất, Văn hóa Phổ thông).

Sau năm 1995, Nhà trường đã xây dựng hệ thống khung chương trình đào tạo trình độ Trung cấp, Cao đẳng các chuyên ngành văn hoá nghệ thuật, với nhiều đối tượng đào tạo: học viên (quân sự) và sinh viên là con em các dân tộc, miền núi, vùng sâu, vùng xa, như: Tây nguyên, các tỉnh miền núi phía Bắc. Trường đã biên soạn hệ thống giáo trình, giáo án, tài liệu các chuyên ngành đào tạo, bảo đảm tính toàn diện, hệ thống, cơ bản, chuyên sâu, đáp ứng sự phát triển thực tiễn; kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết với thực hành, nhà trường với đơn vị cơ sở. Với những nỗ lực trong công tác giáo dục, đào tạo, Nhà trường được Bộ Giáo dục – Đào tạo, Tổng cục Chính trị, Bộ Văn hoá – Thông tin đánh giá cao về chất lượng và khẳng định là cơ sở đào tạo đầu tiên trong hệ thống các nhà trường văn hoá nghệ thuật của cả nước có bộ chương trình đào tạo hoàn chỉnh. Ngày 01.01.2000, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Cơ sở 2 và trực thuộc Trường, có nhiệm vụ đào tạo cán bộ văn hóa – nghệ thuật và biểu diễn nghệ thuật phục vụ bộ đội và nhân dân các tỉnh phía Nam.

 Trên cơ sở Trường Cao đẳng Văn hoá nghệ thuật Quân đội, ngày 03.01.2006, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 02/2006/QĐ-TTg về việc thành lập Trường Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội. Ngày 13.2.2006, Tổng Tham mưu Trưởng ra Quyết định số 743/QĐ-TM về việc ban hành biểu tổ chức biên chế Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội; tháng 5/2009 Bộ Quốc phòng ra quyết định giao Nhà hát Quân đội khu vực phía Nam – Thành phố Hồ Chí Minh trực thuộc Trường; tổ chức biên chế của Trường, gồm: Ban Giám hiệu; các Phòng (Chính trị, Đào tạo, Khoa học công nghệ và môi trường, Hậu cần – Kỹ thuật, Tham mưu – Hành chính); Ban Tài chính; các Khoa (Âm nhạc, Thanh nhạc, Múa, Nghệ thuật Dân tộc và Miền núi, Văn hóa Cơ bản, Quân nhạc, Sư phạm Nhạc – Họa, Khoa học Xã hội và nhân văn, Quân sự – thể chất, Sân khấu – Điện ảnh- Viết Văn, Kiến thức Nghệ thuật cơ bản); Nhà hát thực hành; Cơ sở 2 tại Thành phố Hồ Chí Minh; Nhà hát Quân đội phía Nam; Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội đầu tiên là đồng chí Thiếu tướng, nhạc sĩ Nguyễn An Thuyên. Từ đây Trường đào tạo đa ngành: ca, múa, nhạc, sân khấu, điện ảnh, viết văn, quân nhạc, văn thư lưu trữ, báo chí; nhiều trình độ: Đại học, Cao đẳng, Trung cấp; nhiều loại hình đào tạo: chính quy, tập trung, vừa làm, vừa học, liên kết đào tạo; đối tượng đào tạo đa dạng, gồm: học viên quân đội; sinh viên ngoài quân đội và học viên Quân đội nhân dân Lào và Quân đội Hoàng gia Campuchia. Cùng với việc đào tạo tập trung chính quy tại trường, Nhà trường đã tổ chức đào tạo tại chức, đào tạo ngắn hạn, tập huấn chuyên môn văn hóa nghệ thuật; xây dựng các chương trình nghệ thuật biểu diễn phục vụ bộ đội, nhân dân; xây dựng các chương trình nghệ thuật chào mừng các sự kiện, các ngày lễ kỷ niệm của đất nước, của quân đội, các bộ, ngành và địa phương; tham gia các cuộc thi văn hóa nghệ thuật trong nước và quốc tế. Tổ chức các phong trào, các cuộc thi, các trại sáng tác về văn hóa, nghệ thuật toàn quân.

Thực hiện điều chỉnh tổ chức biên chế theo Quyết định số 147/QĐ-TM, ngày 14/03/2020 của Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, tổ chức biên chế của Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, gồm: Ban Giám hiệu; các phòng (Chính trị, Đào tạo, Khoa học quân sự, Tham mưu – Hành chính, Hậu cần – Kỹ thuật); các ban (Tài chính, Khảo thí và bảo đảm chất lượng giáo dục và đào tạo; Ban Sau đại học); Nhà hát Nghệ thuật thực hành; Cơ sở 2 và Nhà hát Quân đội khu vực phía Nam, các khoa (Khoa học xã hội và nhân văn; Văn hoá cơ bản; Quân sự thể chất; Kiến thức nghệ thuật cơ bản; Âm nhạc; Nghệ thuật dân tộc và miền núi; Thanh nhạc; Múa; Quản lý văn hoá; Quân nhạc; Sân khấu điện ảnh, viết văn; Văn thư lưu trữ và báo chí) và Khối đơn vị học viên (Hệ trưởng, Chính trị viên và 05 lớp). Bắt đầu từ năm 2021 Nhà trường đào tạo Sau Đại học chuyên ngành Quản lý văn hóa.

Trong quá trình xây dựng, trưởng thành và phát triển, Nhà trường đã đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn hàng nghìn cán bộ, diễn viên, nhân viên, văn hoá nghệ thuật, phóng viên báo chí truyền thông và nhân viên văn thư lưu trữ cho các cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội. Đào tạo tập trung chính quy và tập huấn chuyên môn nghệ thuật cho hàng trăm lượt cán bộ, diễn viên văn hóa nghệ thuật cho Quân đội nhân dân Lào và Quân đội Hoàng Gia Campuchia. Nhiều học viên, sinh viên đã trở thành NSND, NSƯT, chuyên gia đầu ngành về văn hóa nghệ thuật của Quân đội, quốc gia và quốc tế.

Vượt lên những khó khăn để phát triển, từ ngôi trường nhỏ ở Mai Dịch, cơ sở vật chất, phương tiện dạy và học nghèo nàn, ít ỏi, đến nay, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội đã không ngừng trưởng thành và lớn mạnh, có cơ ngơi khang trang, hiện đại với 4 địa điểm đóng quân: Số 101 Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa, Thành phố Hà Nội; Khương Trung, Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội; Thạch Hòa, Thạch Thất, Thành phố Hà Nội; Cơ sở 2 và Nhà hát Quân đội khu vực phía Nam ở 140 Cộng Hòa, Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh.

Phương hướng phát triển Nhà trường trong giai đoạn mới: Kiên trì mục tiêu đào tạo những gì Quân đội và xã hội cần, ưu tiên hướng về đơn vị cơ sở; từng bước chuyển mô hình giáo dục, đào tạo theo hướng xây dựng nhà trường thông minh, đáp ứng nguồn cán bộ, diễn viên, nhân viên, phóng viên chất lượng cao cho các lĩnh vực hoạt động: nghệ thuật chuyên nghiệp; tổ chức thiết chế văn hóa; văn thư, lưu trữ và báo chí, truyền thông cho đơn vị cơ sở trong, ngoài quân đội và quốc tế. Đổi mới công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tuyên truyền, phổ biến pháp luật; nâng cao chất lượng huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật, bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, tài chính theo định hướng phát triển của nhà trường thông minh; đặc biệt chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì, giảng viên đầu ngành có bản lĩnh chính trị, phẩm chất, năng lực chuyên môn giỏi, có uy tín, tư duy đổi mới, kiến tạo nhà trường thông minh; Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, chi bộ; xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, mẫu mực, tiêu biểu; Nhà trường vững mạnh, toàn diện.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *