Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội, Kỳ hợp thứ 4 vừa qua, trong phát biểu làm rõ ý kiến các đại biểu và giải pháp cho vấn đề liên quan đến tình trạng thiếu giáo viên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn có nêu thực tế: “Giáo viên thiếu nhiều nhất, nghỉ việc nhiều nhất chính là ở bậc mầm non. Số nghỉ việc ở giáo viên mầm non chiếm tới hơn 40%”.
Bộ trưởng đề nghị Quốc hội xem xét nâng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm lên gấp đôi, từ 35% lên 70% để giúp thầy cô yên tâm gắn bó với nghề.
Để việc nâng phụ cấp này thành hiện thực, cần được Quốc hội xem xét. Giáo viên mầm non cả nước đều mong mỏi việc này sẽ được Quốc hội sớm bàn thảo.
Đáng chú ý, kể từ khi nhậm chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo vào tháng 4/2021, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã có nhiều lần đề cập đến tiền lương viên chức giáo viên khiến chúng tôi trân quý bởi tâm tư của thầy cô đã được người đứng đầu ngành hiểu và kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xem xét.
Thứ nhất, sau khi được Quốc hội phê chuẩn chức vụ Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, trả lời câu hỏi của Tuổi trẻ “Đổi mới giáo dục phải bắt đầu từ người thầy. Tuy nhiên, tiếng nói của họ vẫn còn nhiều hạn chế, ngay cả trong chính câu chuyện giáo dục mà các thầy cô là nhân vật trung tâm. Theo ông, cần làm gì để thay đổi?”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ:
“Tôi rất mong muốn đời sống, thu nhập của người thầy được cải thiện. Trình độ của người thầy tiếp tục được nâng cao tương ứng với yêu cầu thời đại. Song việc này không chỉ mình Bộ Giáo dục và Đào tạo giải quyết được.
Vừa qua cũng có một số chính sách được thực hiện như tăng lương cho giáo viên phổ thông, nhưng còn nhiều việc phải làm để nâng cao đời sống thầy cô giáo.” [1]
Bộ trưởng đề cập đến chuyện “thu nhập của người thầy được cải thiện”, “tăng lương cho giáo viên phổ thông” vào thời điểm tháng 4/2021 khiến thầy cô các bậc học trên cả nước lại dấy lên hi vọng vì Nghị định điều chỉnh mức lương cơ sở thực hiện Nghị quyết của Quốc hội dự kiến tăng từ 1.490.000 đồng/tháng lên 1.600.000 đồng/tháng từ ngày 1/7/2020 (tăng thêm 7,38%) trước đó bị hoãn lại.
Lương giáo viên và tấm lòng của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn ảnh 1Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn
Ngay sau đó, nhiều tờ báo chạy tít, tăng lương cho giáo viên, lời hứa của 15 năm, 4 thời Bộ trưởng, nhận được nhiều sự quan tâm và bình luận của dư luận xã hội. Hơn ai hết giáo viên chúng tôi hiểu rằng, các bài báo đề cập đến đồng lương giáo viên quá thấp và một sự kì vọng rất lớn vào vai trò của Bộ trưởng.
Tuy vậy, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo không có thẩm quyền quyết định lương giáo viên mà chỉ có thể tham mưu, đề xuất với các Bộ, ban, ngành như Quốc hội, Chính phủ về chính sách tiền lương.
Ngoài ra, thời gian qua, trên các diễn đàn báo chí và mạng xã hội, dư luận luôn bàn đến chuyện tiền lương giáo viên với sự cảm thông, băn khoăn có cả chút gì đó thương hại.
Người ta so sánh đồng lương giáo viên thua nghề phụ hồ, thua cả nghề… giúp việc, rồi thua xa lương công nhân… khiến nhiều giáo viên đang phải sống lay lắt hoặc lựa chọn nghỉ việc. Điều này ít nhiều tác động đến lòng tự trọng nghề nghiệp của khoảng 1,4 triệu nhà giáo trên cả nước, dĩ nhiên trong đó có Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, chúng tôi rất thấu hiểu.
Thứ hai, ngày 19/10/2022, tại Bắc Ninh, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 4
Trong phần phát biểu của mình, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói rằng, chúng ta làm “cách mạng” trong bối cảnh thiếu tất cả mọi thứ. Tuy nhiên, giáo viên thực hiện đổi mới trong bối cảnh nhọc thân hơn, vất vả đầu hơn, nghiệt ngã hơn, kỳ vọng, áp lực xã hội lớn hơn nhưng thu nhập không hơn, điều kiện làm việc không cải thiện…” [2
Chúng tôi hiểu rằng, “thu nhập không hơn” chính là việc trả lương cho giáo viên còn chưa tương xứng với vị thế của nghề. Đó còn là lời phát biểu thẳng thắn, bởi vị tư lệnh ngành thấy được bản chất lao động đặc thù của nghề giáo so với các ngành nghề khác
Minh chứng, giáo viên chưa được trả lương sòng phẳng, chẳng hạn, lương giáo viên phổ thông sau khi dạy học 5 năm cũng chỉ khoảng 5 triệu đồng/tháng. Ngoài việc dạy ở lớp thì giáo viên còn phải làm các công việc liên quan như chấm bài kiểm tra, hoàn thành hồ sơ sổ sách, tham gia hoạt động phong trào cùng học sinh, kết hợp với phụ huynh giáo dục các em sau giờ lên lớp…
Liên quan đến lương giáo viên, ngày 27/10/2022, thảo luận tại tổ tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nêu thực tế: “Kỹ sư ra trường lương khởi điểm 3,5 triệu đồng, viên chức 2,2 triệu đồng, trong khi đó mức lương tối thiểu vùng thấp nhất cũng đã 3,6 triệu và vừa qua điều chỉnh đã lên 4,2 triệu. [3]
Như thế, mức lương hiện tại của giáo viên không đủ sống. Để mưu sinh, thầy cô phải làm nhiều công việc tay trái, không còn thời gian đầu tư cho chuyên môn khiến chất lượng dạy học bị ảnh hưởng. Vậy nên, việc chi trả tiền lương cho giáo viên trước hết cần phải sòng phẳng sao cho thầy cô sống được rồi hãy nói đến “nghề cao quý”.
Thứ ba, ngày 27/10/2022, phát biểu làm rõ ý kiến các vị đại biểu Quốc hội tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đề nghị, một trong các chính sách rất quan trọng là tăng lương cho giáo viên, cũng đã được Chính phủ tính toán, mong rằng sẽ giải quyết được đời sống, tâm lý cho giáo viên để yên tâm công tác.
“Đề nghị Quốc hội xem xét việc điều chỉnh phụ cấp ưu đãi cho giáo viên bậc mầm non, hiện nay, đang là 35%, tốt nhất tăng phụ cấp ưu đãi cho nhóm giáo viên mầm non, tương tự như mức phụ cấp ưu đãi cho y tế cấp cơ sở, tối thiểu tăng từ 35% lên 70%, ngang với mức ưu đãi cũ của y tế cấp cơ sở.
Về phía ngành giáo dục và đào tạo, cũng hết sức mong muốn giáo viên được nâng phụ cấp ưu đãi, đặc biệt với giáo viên bậc mầm non”, Bộ trưởng nêu ý kiến. [4]
Ngày 2/11/2022, trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội một số thông tin được quan tâm, trong đó có tình trạng giáo viên nghỉ việc, chuyển việc, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, năm học 2021-2022 có 16.265 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, đối với cơ sở giáo dục công lập, tình trạng giáo viên nghỉ việc là do chế độ, chính sách về tiền lương còn nhiều bất cập, lương giáo viên chưa đủ để trang trải cuộc sống.
“Hiện nay, giáo viên công tác trong 5 năm đầu có thu nhập bình quân từ lương và phụ cấp khoảng 6 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, chi phí thiết yếu cho cuộc sống (ăn, ở, nuôi con, chăm sóc sức khỏe…) khá cao. Điều này khiến một số giáo viên phải chuyển sang làm các công việc khác có thu nhập cao hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phân tích. [5]
Thực lòng chúng tôi rất cảm động khi nghe Bộ trưởng đề nghị Quốc hội xem xét việc điều chỉnh phụ cấp ưu đãi cho giáo viên bậc mầm non. Việc này còn cho thấy vị tư lệnh ngành rất thấu hiểu sự nhọc nhằn của giáo viên mầm non nói riêng và sự bất cập về chính sách tiền lương nói chung.
Lương giáo viên mầm non mới ra trường thực nhận chưa đầy 3 triệu đồng/tháng, trong khi họ phải làm việc từ 10 đến 12 tiếng/ngày. Sau giờ lên lớp, giáo viên còn phải chăm lo cho bản thân, gia đình thì làm sao tái tạo sức lao động. Nếu không có tình yêu trẻ, không mấy giáo viên trụ được với nghề.
Không chỉ tăng phụ cấp với giáo viên mầm non, giáo viên chúng tôi rất mong Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tiếp tục góp thêm tiếng nói để sau khi Quốc hội quyết định tăng hệ số lương cho cán bộ, công chức, viên chức thì tiếp tục thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW giúp giáo viên ổn định cuộc sống, toàn tâm, toàn ý với sự nghiệp “trồng người”.