Để được đứng trên sân khấu và mang tiếng hát của mình đến với người hâm mộ, ca sĩ phải trải qua nhiều chông gai, thách thức. Bài viết hướng nghiệp nghề ca sĩ sau sẽ giúp bạn có cái nhìn rõ hơn.
Ca sĩ có thể là nghề nhanh chóng đưa bạn lên đỉnh vinh quang nhưng cũng dễ dàng đẩy bạn xuống vực sâu của xã hội. Do đó, để đạt vị thế vững chắc trong giới và chạm đến trái tim người hâm mộ, nghệ sĩ cần hội tụ những tố chất đặc biệt; đồng thời, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách khắc nghiệt. Sự bản lĩnh, lòng kiên trì và đam mê cháy bỏng chính là 3 yếu tố cơ bản giúp bạn đi lâu hơn trên con đường đầy rẫy chông gai này.
Thông qua thông tin hướng nghiệp nghề ca sĩ dưới đây, hẳn người đọc có thể hiểu rõ và đúng hơn về nghề cũng như nắm bắt cách sinh tồn và phát triển trong lĩnh vực có tính cạnh tranh cao.
* Bạn muốn học ngành Năng khiếu nhưng chưa biết học ở đâu tốt? Xem ngay bảng xếp hạng các trường đại học đào tạo ngành Năng khiếu tốt nhất Việt Nam!
Không phải cứ “cầm mic lên là thành ca sĩ”
Vài năm trở lại đây, chúng ta đã không ngừng chứng kiến “màn ra sân” của nhiều ca sĩ trẻ. Tuy nhiên, có mấy ai khiến khán giả nhớ được tên cũng như chiếm lấy cảm tình và sự ủng hộ từ họ. Cho nên, bạn đừng nghĩ rằng, chỉ cần giọng hát tương đối hay và cầm mic trong tay là có thể trở thành ca sĩ.
Để có một màn trình diễn ấn tượng, người nghệ sĩ đã phải “nai lưng” tập luyện chăm chỉ trong hàng giờ liền. Suốt quãng thời gian ấy, chấn thương, sức khỏe suy giảm, mất giọng… thậm chí rơi vào trạng thái trầm tư là những điều hoàn toàn không thể tránh khỏi. Bên cạnh đó, ca sĩ còn phải cộng tác với nhiều người và thực hiện vô số công đoạn phức tạp khác, cụ thể là:
Học kỹ thuật hát
Để hòa mình vào bài hát cũng như thổi hồn lời ca đến tâm người hâm mộ, nghệ sĩ cần phải nắm chắc các kỹ thuật thanh nhạc từ việc lấy hơi, luyến láy, lên giọng đến “nhả” nốt trầm. Đây được xem là viên gạch đầu tiên xây dựng nền móng cho sự nghiệp biểu diễn của họ. Một người có thể không sở hữu chất giọng hay nhưng chính những kỹ thuật thanh nhạc sẽ giúp họ dần cải thiện khả năng ca hát và khắc chế nhược điểm cá nhân.
Luyện giọng
Nhiều nghệ sĩ chuyên nghiệp đôi lúc cũng rơi vào tình trạng “lạc tông” nếu như lấy hơi không đúng cách hay thực hiện những highnote vượt quá cao độ của bản thân. Do đó, việc luyện thanh là vô cùng quan trọng, giúp đảm bảo sức bền và chất lượng giọng khi trình diễn.
Làm ca sĩ có cần phải học? Tập biểu diễn
Sau chuỗi thời gian dài trau dồi kỹ thuật, bạn cần tập cách “phô bày” tài năng trước đám đông. Hãy luôn tự tin khi trình diễn vì có như vậy khán mới cảm nhận toàn bộ năng lượng cũng như thấu hiểu lời ca tiếng hát của người thể hiện.
Phát triển phong cách riêng
Giữa muôn vàn giọng hát ngày nay, bạn cần phải tạo điểm nhấn cho riêng mình nếu như muốn mọi người nhận ra bạn ngay khi cất tiếng. Đừng ngần ngại thử nghiệm những cách “phiêu” hay thể loại âm nhạc khác nhau. Vì điều này giúp bạn sớm tìm thấy phong cách phù hợp với mình.
Giống như ca sĩ Vũ Cát Tường, thay vì theo đuổi dòng nhạc thị trường ngày nay, cô đã sáng tác và thể hiện nhiều ca khúc mang âm hưởng hiện đại pha chút Blue Jazz, hoàn toàn “khớp” với màu giọng và phong cách đặc trưng của riêng mình. Điều này khiến khán giả nói chung và fanclub nói riêng vô cùng bất ngờ cũng như có ấn tượng sâu sắc về cô.
Hành nghề
Có thể nói, dù hát hay thế nào, một người cũng khó được xem là ca sĩ nếu như không thành công thuyết phục khán giả “trả tiền” để lắng nghe giọng ca của mình. Do đó, hãy khởi đầu bằng việc tham gia một ban nhạc, trình diễn tại các địa điểm như phòng trà, quán cà phê… hoặc phát hành bài hát để tăng sự nhận diện từ khán giả.
Để đem đến những màn trình diễn tuyệt vời cho khán giả, nhiều ca sĩ đã không ngừng luyện tập chăm chỉ
Tự thân vận động là điều không thể thiếu trong thời buổi hiện nay
Thật sai lầm nếu nghĩ rằng ca sĩ thì chỉ cần hát, mọi đường đi nước bước đều đã có “bầu” lo. Để tạo được dấu ấn trong lòng khán giả, mỗi sản phẩm âm nhạc đều phải đầu tư một cách nghiêm túc cả về phần nghe và nhìn, có khi tiêu tốn đến hàng tỷ đồng nhưng kết quả có thể không như mong muốn.
Ca sĩ Hải Yến – một giọng ca được phát hiện từ cuộc thi Vietnam Idol cho biết: “Bây giờ chẳng còn ai chịu bỏ tiền đầu tư cho một giọng ca kiểu như bầu Hoàng Tuấn đầu tư cho ca sĩ Đan Trường. Mỗi người phải tự thân vận động. Nếu không đủ sức và lực, bạn sẽ tự bị loại ngay lập tức”.
Lý giải điều trên, người trong giới cho rằng việc đầu tư kinh doanh ca sĩ bây giờ là cầm chắc sự thua lỗ vì sự thay đổi “chóng mặt” của thị hiếu âm nhạc ngày nay. Do đó, ít ai dám nhảy vào cuộc chơi đầy mạo hiểm và cam go như thế. Nhạc sĩ Lê Quang chia sẻ: “Quá trình đào tạo một giọng ca đòi hỏi nhiều thời gian. Chưa kể, tài năng cũng là hàng hiếm ở thời hiện tại. Vậy nên, sự biến mất của các công ty đào tạo ca sĩ cũng là điều dễ hiểu”.
một trong những nhạc sĩ và nghệ sĩ Guitar bass tên tuổi ở Sài Thành đã có những chia sẻ thẳng thắn về giới nghệ thuật biểu diễn
Chính vì vậy, nhiều người hiện đang chọn cách tự PR chính mình thông qua gameshow ca nhạc nổi tiếng (Vietnam Idol, Vietnam’s Got Talent, The Voice…) hoặc cover “hit” của các nghệ sĩ tên tuổi trên trang YouTube, mạng xã hội…
Đây được xem là những cách làm ít tốn kém nhưng mang lại hiệu quả cao. Bởi khá nhiều “hiện tượng”, ca sĩ bước ra từ đấy như Trúc Nhân, Vũ Cát Tường, Hòa Minzy, Bùi Anh Tuấn, bé Phương Mỹ Chi…
Tuy vậy, để “bám trụ” lâu trên đường đua này, “không ai đơn thương độc mã mà có thể thành tựu” – ca sĩ Đông Nhi khẳng định. Do đó, các sao Việt luôn tìm kiếm cho mình một đội ngũ ekip chuyên nghiệp để giúp họ cạnh tranh và thực hiện những dự án, sản phẩm âm nhạc.
Giọng hát Việt là cái nôi của nhiều ca sĩ trẻ hiện nay như Vũ Cát Tường, Trúc Nhân, Trung Quân…
Tài thôi chưa đủ
Trong thời buổi cạnh tranh khắc nghiệt hiện nay, chữ “tài” thôi chưa đủ. Muốn trở thành một nghệ sĩ có tên tuổi hoặc chí ít được khán giả biết tới, bạn phải đủ tài chính cũng như xây dựng chiến lược quảng bá phù hợp.
Ca sĩ Hồ Quỳnh Hương – giọng ca “Hoang mang” chia sẻ: “Thái Ngân (học trò của Hồ Quỳnh Hương tại cuộc thi “The X Factor” 2014) là một giọng ca có tiềm năng, có thừa niềm đam mê. Sau thời gian được huấn luyện, với khả năng chơi piano, guitar, sáng tác và vũ đạo nhưng em ấy không thể thực hiện các sản phẩm âm nhạc để giới thiệu mình với khán giả chỉ vì không có tiền”.
Nam ca sĩ Noo Phước Thịnh cũng chân thành cho biết: “Khán giả không ngừng đòi hỏi ca sĩ không chỉ sản phẩm chất lượng mà còn có chiến lược quảng bá hợp lý nữa. Ca sĩ thời nay đòi hỏi phải thông minh không chỉ trong chuyên môn mà còn trong cách sử dụng tài chính phục vụ cho nghề nữa”.
Noo Phước Thịnh – một nam ca sĩ đầy tài năng được nhiều người mến mộ đã thẳng thắn chia sẻ về nghề và những điều mà nghệ sĩ ngày nay cần có
Hãy xây dựng cho mình một tinh thần “thép”
Nếu như những thách thức trên lấy đi không ít mồ hôi, nước mắt, công sức và tiền tài của bạn thì các chông gai sau khi thành danh cũng đủ để “nghiền ép” tâm hồn người hoạt động nghệ thuật.
Vì trong cuộc sống, mỗi cá nhân chúng ta khó có thể làm hài lòng “miệng thế gian” và ca sĩ cũng vậy. Việc được người thương, bị kẻ ghét là điều không tránh khỏi. Những đợt tấn công với lời lẽ cay nghiệt, xúc phạm nhân cách, gia đình từ anti fan hay sự “điên cuồng” của một bộ phận người hâm mộ khiến nhiều nghệ sĩ lâm vào trầm cảm, căng thẳng và khủng hoảng tinh thần.
Chưa dừng lại ở đó, bạn còn phải đối mặt với việc đời tư bị soi mói từ cánh nhà báo hay thợ săn ảnh. Ngoài ra, những tin đồn vô căn cứ có thể rơi xuống trên đầu nghệ sĩ bất kỳ lúc nào, ảnh hưởng đến sự nghiệp, tình cảm, gia đình và cuộc sống cá nhân.
Không những thế, bạn cũng luôn đối mặt với cảnh “cung đấu” trong ngành. Nó có thể công khai nhưng đôi khi lại là trận chiến ngầm. Điều này khiến không ít người đau đầu và mệt mỏi khi phải liên tục nghĩ cách ứng phó.
Do đó, ca sĩ phải luôn xây dựng cho mình một tinh thần “thép” để chống lại các thử thách cay nghiệt trên.
Những bình luận ác ý từ anti fan, xâm nhập đời từ của fan cuồng hay tin đồn thất thiệt khiến không ít nghệ sĩ mệt mỏi và ngã gục (Nguồn: Kenh14)
Những bình luận ác ý từ anti fan, xâm nhập đời từ của fan cuồng hay tin đồn thất thiệt khiến không ít nghệ sĩ mệt mỏi và ngã gục (Nguồn: Kenh14)
Có thể thấy, ca sĩ không phải là một công việc dễ dàng và hào nhoáng như những gì chúng ta nhìn thấy và tưởng tượng. “Sóng gió” ngầm trong đó liên tục diễn ra: cuộc chiến với bản thân, đồng nghiệp và với cả người hâm mộ.
Qua bài viết trên, TuyensinhTrucTuyen.edu.vn hy vọng đã giúp bạn đọc hiểu hơn nghề cũng như các thách thức cần vượt qua. Từ đó, những ai đang nuôi dưỡng ước mơ được đứng trên sân khấu và phô diễn tài năng có thể sớm vạch ra chiến lược hướng nghiệp nghề ca sĩ đúng đắn và phù hợp.
Minh Thư (Tổng hợp)