Bộ Giáo dục và Đào tạo đăng tải Dự thảo thông tư quy định về dạy thêm, học thêm, dự kiến thông tư này sẽ thay thế thông tư hiện hành quy định về dạy thêm, học thêm số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012.
Trong rất nhiều bài viết phân tích, góp ý về dự thảo dạy thêm học thêm mới, có một ý kiến nhận được nhiều quan tâm, bình luận nhiều đó là đề xuất quy định giáo viên đơn vị sự nghiệp công lập chỉ nên được dạy thêm ngoài giờ hành chính. Người viết xin chia sẻ một số góc nhìn xung quanh vấn đề này.
Giáo viên hiện nay dùng thời gian nào để dạy thêm?
Đối với bậc phổ thông hiện nay từ cấp trung học cơ sở đến trung học phổ thông, nếu cho phép dạy thêm thì giáo viên bậc phổ thông có thể dùng thời gian nào để dạy thêm như sau:
Đối với giáo viên tiểu học, giảng dạy theo định mức trung bình 23 tiết/tuần, tuy nhiên chương trình giáo dục phổ thông 2018 xây dựng ở bậc tiểu học theo định hướng dạy 2 buổi/ngày và hầu hết các trường tiểu học trên cả nước đều dạy 2 buổi/ngày, nên giáo viên tiểu học dùng thời gian buổi tối, thứ 7, Chủ nhật để dạy thêm, một số ít thì dạy kiểu “bảo mẫu” sau khi học sinh học buổi sáng, buổi trưa dẫn học sinh về nhà giáo viên ăn trưa và dạy thêm buổi trưa, chiều vô trường học tiếp,…
Học kiểu nào cũng thấy quá tải với học sinh tiểu học vì các em tuổi còn nhỏ, theo quá trình phát triển tâm sinh lý, các em cần kết hợp học tập, nghỉ ngơi, vui chơi hợp lý, học cả ngày ở trường còn học thêm sẽ quá tải, không phù hợp với học sinh tiểu học.
Đối với giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông thì có thời gian dạy thêm nhiều hơn, vì định mức trung bình giờ dạy của giáo viên trung học cơ sở là 19 tiết/ tuần (khoảng 4-5 buổi), giáo viên trung học phổ thông là 17 tiết/tuần (cũng 4-5 buổi), giáo viên bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông cũng dạy vào buổi tối, Chủ nhật. Nhiều trường trung học cơ sở, trung học phổ thông tổ chức dạy thêm ở trường vào buổi chiều.
Trong khi đó, hiện nay dự thảo đang quy định: “Tổng thời lượng dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục theo kế hoạch giáo dục của nhà trường và dạy thêm, học thêm không quá 35 tiết/tuần đối với cấp tiểu học, không quá 42 tiết/tuần đối với cấp trung học cơ sở, không quá 48 tiết/tuần đối với cấp trung học phổ thông”. Như vậy, ngoài số tiết theo quy định, giáo viên có thể dạy thêm chỉ cần không quá số tiết theo dự thảo. Nhưng nếu thời gian này trong giờ hành chính liệu có phù hợp?
Vì sao giáo viên chỉ nên được phép dạy thêm ngoài giờ hành chính?
Nhằm góp về dự thảo Thông tư dạy thêm học thêm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhằm tránh việc dạy thêm nhiều, tránh quá tải học sinh và phù hợp thời gian học tập, nghỉ ngơi của học sinh, áp lực về kinh tế đối với phụ huynh, người viết đề xuất quy định về thời gian giáo viên được dạy thêm, cụ thể là giáo viên chỉ được dạy thêm ngoài giờ hành chính vì các lý do sau:
Thứ nhất, giáo viên ngoài thời gian giảng dạy còn làm các công việc khác
Theo các Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giáo viên bậc phổ thông ngoài việc giảng dạy theo định mức tiết dạy còn phải thực hiện các công việc khác như sinh hoạt chuyên môn, làm đồ dùng dạy học, giáo dục học sinh, soạn bài, ra đề kiểm tra, chấm bài, thực hiện công tác phổ cập,…
Nếu trong thời gian giờ hành chính, giáo viên thực hiện tốt tất cả công việc thì thời gian còn lại để nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, dùng giờ hành chính trong khi mọi người đang làm việc để dạy thêm rõ ràng không phù hợp, cần phải được nghiên cứu, xem xét thấu đáo.
Thứ hai, giáo viên là viên chức
Ngoài là giáo viên, thực hiện nhiệm vụ, thời gian làm việc theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giáo viên còn là viên chức, chịu sự chi phối của Luật Viên chức về thời gian làm việc, nghỉ ngơi, khó tìm được lý do chính đáng để dùng giờ hành chính dạy thêm thu tiền, việc dạy thêm ngoài giờ chỉ nên dành cho giáo viên dân lập, tư thục, giáo viên đã nghỉ hưu,…
Giáo viên là viên chức hiện nay ngoài nhận lương, có thêm phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên, lương cơ sở đã tăng từ 01/7/2024 lên 2,34 triệu, thu nhập đã cải thiện và có nhiều ưu đãi hơn so với viên chức các ngành khác về lương, làm việc, nghỉ ngơi,…nên phải công bằng giáo viên với viên chức các đơn vị sự nghiệp công lập khác.
Thứ ba, chưa thấy viên chức đơn vị sự nghiệp công lập nào dùng giờ hành chính làm thêm như giáo viên
Hiện nay, người viết chưa thấy viên chức ở đơn vị sự nghiệp công lập nào dùng giờ hành chính để làm thêm thu tiền, họ có thể làm thêm ngoài giờ, bác sĩ khám bệnh ở phòng khám ngoài thu tiền cũng ngoài giờ. Khó có lý do chính đáng nào để giáo viên dùng giờ hành chính dạy thêm thu tiền.
6 lý do nên siết dạy thêm, học thêm thay vì “mở”
Thứ tư, học sinh cần thời gian tự học, trải nghiệm, rèn thể thao
Thiết kế chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 theo định hướng 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học, khuyến khích 2 buổi/ngày cấp còn lại nhằm giúp giáo viên và học sinh ngoài học còn có thời gian tự học, trải nghiệm, biết yêu thương quê hương, đất nước, rèn thể thao, thẩm mĩ,…
Nếu đã học chương trình mới, học sinh vẫn “mở” cho học thêm thì có phù hợp?. 6 lý do nên siết dạy thêm, học thêm thay vì “mở”
Thứ năm, bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu là nhiệm vụ giáo viên
Giáo viên ngoài nhiệm vụ giảng dạy trên lớp, còn phải giáo dục học sinh, trong đó có bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu, và các hoạt động này là nhiệm vụ giáo viên nên hướng tới miễn phí, mới có nền giáo dục tốt đẹp, lý tưởng.
Hiện nay có một bộ phận giáo viên làm cho học sinh “yếu” đi hoặc tạo cho gia đình và học sinh ảo tưởng về năng lực “giỏi” để dạy thêm thu tiền là chưa hợp lý. Dạy trong giờ hành chính nên là dạy thêm miễn phí.
Chưa có thống kê cụ thể hàng năm phụ huynh phải bỏ ra một số tiền bao nhiêu để chi cho việc học thêm, nhưng người viết đã khảo sát với nhiều gia đình, con số này đang là chi phí tốn kém nhất với nhiều gia đình có con học phổ thông.